Suốt cả vùng Nghệ Tĩnh, người dân đã có thói quen sử dụng và rất ưa chuộng món ăn bình dân này.
Bánh đa - món ăn dân dã có ở khắp Việt Nam. Nếu như bánh đa miền Bắc có kích thước khá lớn, thơm bùi vị lạc, vừng thì bánh đa miền Trung chỉ bé vừa chiếc đĩa, nhưng khi ăn có đủ tứ vị chua, cay, mặn, ngọt nhờ gia vị được thêm vào với bột xay từ loại gạo mới trong quá trình làm bánh.
Nhắc đến bánh đa miền Trung là nhớ ngay đến bánh đa Đô Lương của Xứ Nghệ. Suốt cả vùng Nghệ Tĩnh, người dân đã có thói quen sử dụng và rất ưa chuộng món ăn bình dân này.
Chiếc bánh nhỏ nhắn, có đường kính khoảng 20 cm, bên trên rắc nhiều vừng đen nên khi ăn rất bùi và thơm. Người làm bánh đã khéo léo đem tỏi, ớt, hạt tiêu... giã nhuyễn, trộn đều với bột gạo (loại gạo hảo hạng của địa phương), tạo nên vị cay nồng, đậm đà, vô cùng hấp dẫn.
Ở Đô Lương, người dân thường nướng bánh đa bằng than hoa hoặc chiên với dầu ăn, mỡ để tạo nên chiếc bánh mỏng, nhẹ, giòn. Bánh đa chiên có vị ngậy, béo và mặc dù có sẵn vị cay nồng nhưng người ăn vẫn thường thêm tương ớt, nước mắm ớt... để tăng thêm phần thú vị khi thưởng thức.
Người dân Đô Lương không ai là không biết bí quyết làm bánh đa. Tôi từng xem người dân Bắc Giang quạt than, nướng một bánh đa to như chiếc mâm đồng trong 5 phút, nhưng công đoạn làm bánh thì chưa biết.
Lần này về thăm xứ Nghệ, một người bạn gốc Đô Lương đã chia sẻ với tôi tường tận. Để làm ra chiếc bánh đa đặc sắc đúng hương vị quê hương phải dụng công rất nhiều.
Đầu tiên, gạo phải ngâm một đêm, sau đó nghiền nhỏ thành bột. Bột gạo pha với nước vừa đủ, tạo nên độ sền sệt đủ để tráng một lớp lên chiếc vỉ làm từ vải, bên dưới đặt một nồi nước sôi. Vừng đen rửa sạch, ráo nước, rắc đều lên cả hai mặt bánh. Tỏi, ớt, tiêu, bột ngọt được thêm vào ở giai đoạn nào, rắc ra sao để vẫn giữ được mùi thơm tươi ngon ban đầu của gia vị là bí quyết riêng của từng lò bánh.
Bánh đa Đô Lương là món quà dễ ăn, tiện lợi. Đi khắp các con phố, từ bàn tiệc sang trọng cho đến quán bia hơi vỉa hè, đâu đâu cũng thấy để sẵn một chục bánh đa. Việc này khiến tôi liên tưởng đến bát dưa góp lúc nào cũng có sẵn trên bàn ở miền Bắc.
Bánh đa Đô Lương nhỏ nhắn, có thể ăn chơi, ăn riêng, chấm với các loại nước xốt, ăn kèm với lươn cay, bánh mướt, bánh bèo, ốc niêu... và chắc hẳn khoái nhất là “cánh mày râu” trên bàn nhậu. Ăn một miếng bánh giòn tan, uống một ngụm bia mát lạnh đã thấy cả buổi chiều thật sảng khoái.
Trở về Hà Nội, tôi cứ quẩn quanh tìm một thức vị, một thứ đồ có thể xách tay, cuốn gọn để làm quà cho bạn bè... và bánh đa Đô Lương là một đáp án hoàn hảo.
Lê Nam
Xem thêm: 3 tháng đâu mang thai nên ăn gì?, ăn bánh đa có béo không?, Thơ bánh đa vừng, vừng đen có tác dụng gì?, bánh đa với 15 món ngon của Nghệ An, bánh đa vừng đen |tinh hoa xứ Nghệ, Bánh đa vừng đen |Ngon & Lành shop, bánh đa Đô lương xứ Nghệ, Bánh đa Thanh chương, Bánh đa vừng đen Đô lương cực ngon, yêu lắm bánh đa vừng, Cách làm bánh đa vừng, mua bánh đa ở đâu, bánh đa ở Hà nội, bánh đa ăn với gì, bánh đa uống bia
0 comments:
Đăng nhận xét