GIỚI THIỆU

Nghệ an có rất nhiều đặc sản như " Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn", Và Bánh đa Đô Lương cũng là một trong những món ăn dân dã, mang đậm hương vị xứ Nghệ. Bởi nguyên liệu, công thức chế biến, cũng như mùi vị hoàn toàn khác biệt so với bánh đa ở những vùng miền khác. Bánh đa gắn với kỷ niệm thời thơ ấu của người con đất Nghệ. Trẻ em nơi đây mỗi chiều đi học về lại được nhấm nháp chiếc bánh đa vừng vừa giòn tan vừa ngon ngọt.
 Sở dĩ bánh đa Làng Vĩnh đức ngon hơn so với các vùng khác một phần là do mạch nước ở đây làm cho cây lúa làng có hương vị đặc trưng riêng. Và cái quan trọng nữa đó là bí quyết cho cách làm bánh. Do đó khi lấy nguyên liệu từ nơi khác về để làm bánh thì bánh sẽ không được ngon như khi dùng nguyên liệu tại chỗ. "Cách đây khoảng gần 200 năm, dân các miền đến đây ( Thị Trấn Đô Lương), thấy đất ở đây có lúa gạo tốt, vừng nhiều nên đã bắt đầu làm bánh khô (bánh đa)" - Ông Phạm Ngọc Giao chia sẻ. Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu tỏi, ớt và cùng một số gia vị khác

nguyen lieu lam banh da
Nguyên liệu chính làm bánh đa
Những nguyên liệu này rất dễ kiếm, nhưng để được những chiếc bánh ngon thì phải đảm bảo nhiều yêu cầu khắt khe, như gạo để làm bánh phải là gạo trắng, tuyệt đối không được lẫn trấu hay cám. Nếu gạo không trắng, sạch sẽ sẽ làm cho bánh không được trong mất đi vị ngon của bánh. Vừng đen phải là loại vừng ngon sạch không được ẩm mốc. Vừng đen sau khi rửa sạch sẽ được đưa đi phơi thật khô.

bánh đa vừng đen thành phẩm
bánh đa vừng đen thành phẩm
Để làm được bánh đa vừng ngon, người ta phải dùng gạo mới, không được pha bột sắn bột ngô. Gạo sau khi ngâm qua một đêm sẽ được đem đi xay thật nhiễn. Trước đây người ta thường dùng những chiếc cối đá xay bằng tay để nghiền gạo. Nhưng giờ đây, để tiết kiệm sức lao động người ta có thể dùng máy để nghiền gạo cho nhanh vì vậy mà nước gạo xay cũng sánh đều và mịn hơn. Bột pha nước vừa đủ sền sệt, rồi trộn với thứ vừng đen hảo hạng, không có hạt vỡ, cùng với tỏi ớt xay nhỏ và những gia vị khác.
Sau khi trộn vừng đen và các gia vị khác pha nước,  người ta bắt đầu thực hiện công đoạn tráng bánh lên chiếc vỉ bằng vải đặt trên nồi nước đang sôi. Làm bánh đa vừng đen cũng lắm công phu, nhưng công đoạn có thể nói là kỳ công nhất đòi hỏi sự công phu của người thợ đó là công đoạn tráng bánh. Nếu người thợ tráng bánh hơi non tay thì bánh sẽ không có được độ đều và dày cần thiết để khi  bánh đã khô có thể nướng hoặc chiên sẽ phồng đều mà không bị vẹo bánh. Khi bánh chín thì vớt ra, rải đều các bánh lên rá đem ra phơi nắng khoảng một ngày là thành thành phẩm. Nếu không có nắng thì phải phơi hai ba ngày thì bánh mới khô.
Nướng bánh cũng là một nghệ thuật, để làm sao cho bánh vừa dậy lên vị thơm của vừng hòa quyện với mùi thơm của tỏi mà lại không bị cháy. Khi nướng ta phải lật đều bánh, và phải nướng bằng than củi mới ngon giòn đều. Khi bánh được nướng chín nó không mang vị ngọt lịm của đường mà có vị ngọt của gạo của gừng hòa quyện với vị cay nồng của tỏi, tiêu, một chút hơi mặn mặn mang đặc trưng của miền trung đầy nắng và gió này.

Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món ăn khác hoặc ăn riêng. Bánh đa cũng có thể ăn kết hợp với bánh mướt.
Trong những ngày nghỉ cuối tuần người dân quê tôi thường mua hến ngoài chợ về chế biến món bánh đa xúc hến cho gia đình cùng thưởng thức. Món ăn này vừa ngon mát vừa dễ làm, rất phù hợp với khí hậu miền trung nắng nóng. Bởi hến sông Lam vừa mát vừa bổ, ăn cùng với dưa leo xúc bánh đa thì tuyệt không gì bằng. Ngoài ra, bánh đa cũng có thể ăn kèm cùng bắp chuối, hến xào. Món bún giá cá ruốc sẽ ngon hơn nhờ bánh đa.
Bánh đa vừng Đô lương cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, như tinh bột gạo, protein, vitamin B1, vitamin C, cancium, Fe. Chính vì vậy món bánh đa vừng luôn là món ăn ưa thích của mọi lứa tuổi. Ngoài giá trị dinh dưỡng, bánh đa vừng còn có tác dụng điều hòa tì vị, lợi tiểu, cải thiện tuần hoàn máu.

Món bánh đa vừng đen dân dã mộc mạc như chính con người xứ Nghệ. Có thể nói, tất cả những gì tinh túy nhất của đất trời, quê hương được kết tinh trong từng chiếc bánh, để rồi bao người con xứ Nghệ khi đi xa đều day dứt mong ngóng ngày về.

0 comments:

Đăng nhận xét